Bỏ phố về quê nuôi ốc nhồi đặc sản
Dẫn chúng tôi đi tham quan trại nuôi ốc bươu đen rộng 4.000m2, chị Sương phấn khởi nói: "Tôi vừa nuôi ốc vừa trồng sen, nếu vào vụ thì hoa sen nở đồng loạt đẹp lắm, ai đến tham quan cũng tấm tắc khen đẹp. Nơi đây là tất cả tâm huyết mà tôi và gia đình đã gầy dựng trong 4 năm qua, cứ vớt ốc lên là tiền về túi".
Vốn đang làm việc văn phòng ổn định tại thành phố Đà Nẵng, nhưng sau một thời gian gắn bó, chị nhận thấy công việc làm công ăn lương không thể phát huy tối đa khả năng bản thân nên quyết định về quê để tìm hướng đi mới.
Thời điểm này, chị thấy gia đình bên chồng có diện tích đất trồng sen tương đối lớn nhưng cho hiệu quả kinh tế kém, nên nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp ngay trên chính vùng đất quê hương với mô hình nuôi ốc bươu đen.
Tuy quá trình nuôi thử nghiệm chị không bị tổn thất nhiều về số lượng, nhưng vì kỹ thuật chăm sóc chưa đúng nên ốc chậm phát triển, năng suất thấp.
Để khắc phục những khó khăn, chị Sương tìm tòi, nghiên cứu thêm về kỹ thuật nuôi ốc bươu thành công từ sách, báo, internet.
Không ngại đường sá xa xôi, chị tìm đến các trang trại nuôi ốc bươu đen phát triển mạnh ở miền Tây để học hỏi kinh nghiệm.
Khi đã nắm vững kỹ thuật, chị mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng để cải tạo ruộng sen thành ao nuôi ốc bươu đen, đầu tư hệ thống điều tiết nước tự động và giàn che làm mát hồ.
Chị Sương cho biết: "Ốc bươu đen là loài ăn sạch, ở sạch, nên nguồn thức ăn và môi trường nước phải luôn sạch sẽ. Không thể cái gì cũng cho ốc ăn, sẽ khiến ốc rất dễ bị nhiễm bệnh và dẫn đến chết dần.
Vì thế tôi tự trồng rau, quả, bèo và hái lá cây ngoài tự nhiên để làm thức ăn sạch nuôi ốc, không sử dụng các loại bột công nghiệp giúp nâng cao chất lượng con giống cũng như chất lượng thịt ốc".
Doanh thu 100 triệu đồng/tháng từ ốc nhồi
Để ốc bươu đen sinh trưởng thuận lợi, chị Sương tạo môi trường ao nuôi có đầy đủ bèo, hoa sen, hoa súng giống với ao ngoài tự nhiên.
Cũng nhờ đó mà nguồn nước luôn được điều tiết làm sạch. Đặc biệt, lớp bèo trên mặt ao như tấm áo che chắn hạn chế lượng nước mưa trực tiếp đổ xuống. Nhờ vậy, độ pH trong nước ổn định, giúp ốc không bị sốc khi có mưa.
Chị Sương cho hay, khi có mưa lớn hoặc mưa trái mùa thì ốc rất dễ mắc các bệnh đường ruột, mòn vỏ, mòn đít, sưng vòi.
Để phòng bệnh, đều đặn 10 ngày chị tạt vôi bù khoáng giúp tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, diệt các loại ký sinh trùng, địch hại, rong tảo và các mầm bệnh trong ao.
Ốc nhồi từ khi thả nuôi đến thu hoạch bán thương phẩm mất khoảng 4 tháng (trọng lượng khoảng 30 con/kg), còn ốc để sinh sản mất khoảng 6 tháng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc giống, chị Sương nói: "Ốc bươu đen thường đẻ trứng vào ban đêm ở bờ ao hoặc trên thân bèo, sau khoảng 8-12 tiếng thì vỏ trứng khô lại thì tôi mới thu gom bỏ vào khay nhựa đặt trên mặt nước trong thùng xốp, hằng ngày xịt nước giữ ẩm. Trứng ốc khi nở thành con mất thời gian từ 15-20 ngày, dưỡng ốc con thêm 14 ngày là có thể xuất bán giống".
Các sản phẩm chế biến từ ốc nhồi như: ốc nhồi ống nứa, nem lụi ốc, ốc gác bếp của chị Sương được khách hàng rất ưa chuộng. Ảnh: T.N.
Sau 4 năm khởi nghiệp với loài vật "siêu đẻ", chị Sương đã mở rộng trại ốc bươu đen lên 4.000m2, chuyên cung cấp ốc bươu đen giống cho thị trường.
"Hiện tại, ốc giống tôi bán giá 300 đồng/con, ốc thịt 90.000 đồng/kg. Tháng 6/2023, tôi vừa tiếp tục phát triển thương hiệu ốc bươu đen Huy Hoàng thông qua việc chế biến các sản phẩm từ ốc như: ốc nhồi ống nứa, nem lụi ốc, ốc gác bếp.... Mỗi tháng, tôi xuất bán từ 40.000-50.000 con ốc giống và khoảng 1 tạ ốc thịt, đạt doanh thu gần 100 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Sương luôn hăng hái chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho hiệu quả cao và bao tiêu ốc thương phẩm cho người dân.
Nắm được đặc tính ốc bươu đen ít bị bệnh, sinh sản nhanh và đầu ra rất ổn định, nhiều khi cung không đủ cầu, nên mỗi tháng chị Sương lại xuống giống 1 lứa ốc mới để tái đàn, để có đủ số lượng cung ứng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Thời gian tới, chị dự định sẽ tiếp tục quay vòng đầu tư mở rộng thêm ao nuôi ốc, giúp tăng thu nhập hơn nữa.