1. Thịnh suy một làng nghề.
Trên đường vào Mỹ Sơn, ít ai trong du khách biết rằng ngay cửa ngõ khu di tích có một ngôi làng trước đây từng có một thời nhiều hộ dân sống bằng nghề nấu dầu chổi. Làng Mỹ Sơn nép mình bên những sườn núi bát úp hiền hòa gồm 49 hộ dân, mặc dù nằm bên Khu di sản văn hóa thế giới nhưng đa phần người dân sống bằng nghề nông. Riêng về nghề nấu dầu chổi thì trong làng hiện nay không còn ai gắn bó với nghề. Nhưng khoảng chừng hơn 15 năm trước, nghề nấu dầu chổi góp phần mang lại thu nhập cho nhiều gia đình. Khu vực những sườn núi bên ngoài Mỹ Sơn tuy đất đai bạc màu nhưng thuận lợi cho loại cây chổi sể phát triển. Sẵn có nguồn nguyên liệu, người dân mài mò học kỹ thuật nấu dầu. Lúc đầu vài hộ dân, dần trong làng nhà nào cũng tinh chế dầu. Nói về sự ra đời của nghề chế biến tinh dâu chổi, ông Nguyễn Thá (60 tuổi) làng Mỹ Sơn cho rằng: “Từ xưa vùng đất khu Tây Duy Xuyên đã có vài gia đình làm nghề tinh chế cây chổi lấy dầu. Nhưng thật sự phải đến những năm 1990, khi 21 hộ dân được bố trí nhà ở theo chương trình hỗ trợ nhà ở của huyện Duy Xuyên thì nghề chế biến tinh dầu chổi mới thịnh hành. Vì quy trình nấu dầu chổi đơn giản không có bí quyết gì nhiều nên một hộ nấu được thì các hộ khác bắt chước, cứ thế trong làng nhà nào cũng nấu cả”. Để tinh chế tinh dầu chổi, người ta cắt thân và lá cây chổi sể về, tuốt lấy lá còn thân cây làm chổi chà, cho vào một loại nồi lớn được đặt thợ hàn gò, về sau được thay bằng thùng phuy (loại chứa nhựa đường), đổ nước đến ngập hết lá rồi dùng củi đun chừng 5 tiếng. Để lấy được tinh dầu nồi nấu được thông với một vật dụng gọi là cái lô (dụng cụ chưng cất tinh dầu) ngâm sâu vào nước lạnh. Hơi dầu sau khi ngưng tụ theo vòi của cái lô chiết xuất ra bên ngoài. Số lượng và chất lượng dầu sẽ phụ thuộc vào việc đun lữa và chất lượng lá chổi. Cũng như nấu rượu gạo đó là bí mật gia truyền của mỗi gia đình. Sự nổi tiếng của dầu chổi Mỹ Sơn ngày đó được biết đến không phải là ở sản phẩm làm ra mang đi tiêu thụ mà chủ yếu là do khách du lịch ghé đến rồi quảng bá. Có điều cũng như một số làng nghề khác, sản phẩm làm ra nhiều nhưng thị trường tiêu thụ không có, chủ yếu nhờ những người có họ hàng ở Huế gửi bán, còn sản phẩm du lịch thì người làng làm theo kiểu tự phát, không có chiến lược nên người theo nghề, gắn bó với nghề cũng thưa dần. Một nguyên nhân nữa đó là cuộc sống của người làng gắn với khu rừng Mỹ Sơn nhưng từ khi Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới, người làng đành phải hy sinh lợi ích, họ không thể vào rừng cắt chổi về nấu dầu, hoặc làm chổi bán. Dần dần, được tuyên truyền thì ngoài chăn thả trâu bò, khai thác lâm sản việc cắt chổi của dân trong làng cũng dần tuân thủ theo chủ trương chung. Làng nghề cứ thế lụi tàn và mất hẳn.
Kỳ vọng hồi sinh
Trao đổi về vấn đề hồi sinh làng nghề, ông Nguyễn Đức Nha – nguyên Trưởng Ban du lịch cộng đồng Homestay Mỹ Sơn cho rằng: “Nếu biết phát huy những giá trị truyền thống của làng thì du lịch Homestay Mỹ Sơn không còn đơn địu, du khách khi ở lại Mỹ Sơn sẽ có thời gian được tìm hiểu và tham gia với người dân vào quy trình chế biến tinh dầu chổi, được nhận lấy sản phẩm giá trị và hữu dụng từ chính nơi họ trải nghiệm”. Cũng theo ông Nha thì thực ra việc phục hồi lại làng nghề nấu dầu chổi đã có từ khi tổ chức ILO khảo sát địa điểm quy hoạch Homestay Mỹ Sơn. Tuy nhiên, những chiến lược để khách dừng chân, hay ở lại Mỹ Sơn vẫn chưa thực sự có hiệu quả do đó làng thì đói khách trong khi giá trị truyền thống thì không thể phục hồi.
Theo Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định rằng trong thời gian tới du lịch Mỹ Sơn sẽ tập trung hướng đến cộng đồng để lan tỏa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm. “Hiện nay, Ban Quản lý đang tập trung đẩy mạnh hạ tầng du lịch phía bên ngoài Khe Thẻ, theo đó, vị trí đắc địa kinh doanh bên ngoài sẽ được ưu tiên cho tư nhân vào, chủ yếu là việc phục dụng lại các làng nghề và phát triển các mặt hàng thủ công, khai thác đập nước Thạch Bàn”.
Những giá trị Mỹ Sơn sẽ bền chặt khi công cuộc bảo tồn được gắn với cộng đồng di sản xung quanh. Bảo tồn giá trị truyền thống nhưng đồng thời phải phát huy hiệu quả để tạo ra lợi ích kinh tế, làm giàu xã hội. Việc phục hồi làng nghề tuyền thống là một phần quan trọng vừa là nhiệm vụ bảo tồn nhưng cũng là hướng mở để phát triển sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Nha cho rằng“Cây chổi sẻ mọc tập trung ở những đồi dốc đất bạc màu chủ yếu ở các sườn Dương Thông, sườn Mỏ Cày, các sườn ven đập Thạch Bàn. Hiện nay, những khu vực này có những gốc chổi sề có tuổi đời trên 100 năm. Trong khu khoanh cấm rừng Mỹ Sơn chỉ mọc tập trung ở một số địa điểm. Nếu khôi phục và phát triển làng nghề, những địa điểm này cũng sẽ trở thành điểm tham quan để du khách tìm hiểu thêm về loại cây có tính chất hữu dụng này”.