Ngày 11/7/2024, UBND xã Duy Phú tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Năm 2023, trên địa bàn xã Duy Phú thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, mưa lớn cực đoan. Nhưng với tinh thần chủ động, chỉ đạo quyết liệt theo phương châm “phòng là chính”, UBND xã Duy Phú đã quán triệt và triển khai nghiêm túc theo sự chỉ đạo của cấp trên chủ động thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ngay từ đầu năm. Công tác chỉ huy, ứng phó được thực hiện nghiêm túc nên đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, không thiệt hại gì nhiều về con người và tài sản.
Theo nhận định của Bộ tài nguyên và môi trường, những tháng cuối năm 2024 có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới, UBND xã tập trung chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cưu nạn xã và các ban, ngành, triển khai công việc trọng tâm chuẩn bị cho công tác phòng chống thiên tai kiểm tra tình hình an toàn hồ chứa nước Hóc Bầu để có kế hoạch bảo vệ, đồng thời cử cán bộ tham gia vào BCH phòng chống thiên tai và cứu hộ ở Hồ Thạch Bàn do tỉnh quản lý. Tổ chức kiểm tra tình hình an toàn ở các trụ sở cơ quan, trường học, để có biện pháp chằng chống, bảo vệ; các vùng nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt để xây dựng kế hoạch cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn xã và duy trì lực lượng thường xuyên, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để sẵn sàng ứng phó, sơ tán dân khi cần thiết, triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ", lấy phòng là chính; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.
I. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHUNG
1. Kiện toàn tổ chức, hoạt động Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã theo Luật Phòng thủ dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan. Rà soát, điều chỉnh các văn bản thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực PCTT và TKCN cho phù hợp với các quy định tại Luật Phòng thủ dân sự và văn bản hướng dẫn.
2. Kịp thời theo dõi, truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác nhất về diễn biến thiên tai, nhất là mưa lớn, ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất.
3. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương.
4. Rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo quan điểm chỉ đạo: Chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “04 tại chỗ”; lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai, sự cố. Chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ; xác định các vị trí trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính” để cập nhật, bổ sung vào Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro.
5. Chủ động nguồn lực để hỗ trợ, khắc phục kịp thời các hậu quả do thiên tai gây ra.
6. Kiểm tra, thống kê đánh giá, báo cáo tình hình thiệt hại; đề xuất hỗ trợ kinh phí khắc phục đảm bảo theo tinh thần Quyết định số 1612/QĐ-UBND ngày 02/8/2023 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp, tham mưu phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
7. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện trong công tác PCTT&TKCN.