Trao yêu thương
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Phạm Phú Cường cho biết, năm 2004, thầy về công tác tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh làm tổng phụ trách Đội và dạy nhạc. Trong quá trình công tác, thầy chứng kiến nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ khi đến trường… Điều này đã thôi thúc thầy phải làm gì đó để giúp đỡ các em. Và từ ước muốn giúp học trò nghèo có thêm động lực bước trên con đường tìm cái chữ ấy, thầy giáo Phạm Phú Cường đã đề ra nhiều kế hoạch gieo mầm thiện, trao yêu thương. Những ngày đầu, ngoài giờ dạy học, thầy tranh thủ liên hệ một số gia đình khá giả, xin áo quần, sách vở mang về sửa lại cho tươm tất, xếp ngay ngắn mang tặng học trò.
Năm 2005, thầy Cường tham gia diễn đàn từ thiện “Chia sẻ tình thương” với các hoạt động thiện nguyện cho học sinh khắp cả nước, đặc biệt là các hoạt động hướng về học sinh vùng cao ở Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My. Mỗi năm học, thầy Cường đưa ra mục tiêu sẽ giúp đỡ thêm một đến hai đơn vị trường học miền núi. Năm 2019, thầy tổ chức đến thăm và tặng vở, bút và sách giáo khoa học tập cho gần 300 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lê Hồng Phong (xã Trà Dơn, huyện Bắc Trà My). Giao lưu với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Leng (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) và tổ chức chương trình “Mùa đông ấm áp”, tặng áo ấm, sách vở cho hơn 200 em học sinh. Trong mỗi chương trình, không chỉ trao tặng hiện vật, thầy Cường còn tiếp lửa cho học trò bằng cách kể những tấm gương vượt khó đến trường, thầy dạy học trò vùng cao kỹ năng sống và nhen nhóm ước mơ cho các em tiếp tục hành trình đến với tri thức.
Thầy Cường chia sẻ, không chỉ thầy mà hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đều chung tay thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đỡ học sinh khó khăn hay không may gặp bệnh hiểm nghèo. Như năm 2022 trường có một học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, các thầy cô trong trường đã huy động giúp đỡ cho em hơn 30 triệu đồng - nay em đã đi học lại. Năm học 2023-2024 qua, dù kinh tế khó khăn chung nhưng thầy Cường cũng cố gắng tìm nguồn lực để giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh. Vận động 43 bộ sách giáo khoa, 10 chiếc xe đạp, nhiều phần quà và dụng cụ học tập tặng học sinh; trao 1 suất bảo trợ 1 triệu đồng/tháng đến lớp 12 cho một học sinh lớp 6 bị khuyết tật vượt khó học giỏi; vận động hơn 10 triệu đồng cùng với Hội đồng đội huyện Duy Xuyên thực hiện chương trình “Khăn hồng tình nguyện” tại huyện Nam Giang; vận động tặng 25 suất quà tết cho người già neo đơn, bệnh tật tại xã Duy Phú. Mỗi tháng, thầy Cường kết nối với đồng nghiệp tổ chức nhiều chuyến đi lên các huyện vùng cao như Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, …. Ở mỗi chuyến đi, không chỉ đến để chia sẻ khó khăn về vật chất mà còn chia sẻ cho các em học sinh những kỹ năng sống và lan tỏa văn hóa đọc.
Thầy giáo Phạm Phú Cường chia sẻ “Đức thánh kinh của Lão Tử có câu “Gieo lòng tốt, gặt thân thiện/ Gieo yêu thương, gặt hòa thuận”. Mỗi việc thiện chúng ta làm sẽ khơi dậy tấm lòng nhân ái của những người xung quanh và hơn hết khi cho đi chúng ta sẽ nhận lại lòng nhân ái, sự thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia”.
Truyền cảm hứng cho học sinh
Lúc đầu, với mong muốn tạo nguồn quỹ lâu dài để giúp học sinh khó khăn, thầy Cường nghĩ ra cách đi lấy nhang về bán, tiền lời bỏ vào quỹ từ thiện. Khi việc bán nhang thuận lợi, có nhiều khách hàng, thầy Cường không lấy nhang bán lẻ nữa mà học cách làm nhang bằng các hương liệu thiên nhiên. Sau đó tự sản xuất và đưa ra thị trường thương hiệu “nhang sạch Mỹ Sơn”.
Trong công tác chuyên môn, với vai trò là tổng phụ trách Đội và giáo viên dạy nhạc, thầy Cường luôn nỗ lực, đổi mới để giữ vững thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng năm học, góp phần tạo nên thành tích chung của nhà trường. Thầy cũng là người trao truyền kiến thức, ý thức ham học hỏi, kỹ năng sống, giới thiệu các loại nhạc cụ cho học sinh; giúp các em học sinh, đội viên có những trải nghiệm, kỹ năng thiết thực sau những giờ học trên lớp. Đặc biệt, thầy Cường luôn lắng nghe, chia sẻ để trao truyền cảm hứng học tập, "thắp lửa" cho các em - thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Hiện nay, thầy Cường đang thực hiện dự án “Hành trình kiến tạo văn hóa đọc” cả trong và ngoài huyện với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến trẻ em và cả cộng đồng. “Đọc sách là một nhân tố cốt lõi để hình thành nhân cách, đạo đức, trí tuệ, nghị lực, hướng thế hệ trẻ đến giá trị chân - thiện - mỹ. Lan tỏa văn hóa đọc là việc làm tử tế để xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn” – thầy Cường nói.
Với thầy giáo Cường, thiện nguyện là để sẻ chia, để chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những gia đình, những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đó cũng là điều thôi thúc và trở thành lẽ sống tự nguyện của thầy với mong ước những việc làm tử tế sẽ giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, đưa mọi người gần gũi và yêu thương nhau nhiều hơn./.