Lực lượng Công an nhân dân ra đời trong khí thế sục sôi của ngày khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội 19/8/1945 trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật CAND, trong đó quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của CAND và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (Điều 11, Chương I, Luật CAND).
79 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND
Suốt chặng đường 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chăm lo giáo dục, rèn luyện, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, luôn xứng đáng là một lực lượng “Trung thành với Đảng - Tận tụy với dân - Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
79 năm song hành cùng đất nước, đã xuất hiện hàng vạn tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an dũng cảm, ngày đêm tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có trên 14.000 cán bộ chiến sĩ công an anh dũng hy sinh, hơn 20.000 đồng chí bị thương tại các chiến trường.
Ngày nay, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự đầy cam go, quyết liệt, máu của cán bộ, chiến sĩ công an vẫn đổ, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Mỗi thành tích, mỗi chiến công, mỗi gương người tốt, việc tốt, mỗi sự cố gắng tận tụy của cán bộ, chiến sĩ công an đã góp phần giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; bảo vệ tài sản, tính mạng và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân; góp phần vào sự trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân, viết tiếp truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào Nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”; “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân”, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...”. Đây cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, Chính phủ khi chọn ngày 19/8 hàng năm là Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, 19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là dịp để các cấp ủy, chính quyền xã Duy Phú tăng cường chỉ đạo; các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phối hợp, giúp đỡ lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó. Lực lượng Công an nhân dân luôn ghi nhớ, khắc sâu và quyết tâm thực hiện “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”.