Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết: Việc tổ chức, sắp xếp lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, nhằm giảm bộ máy ở cơ sở, đảm bảo thuận lợi và hiệu quả trong quản lý, tổ chức và hoạt động thôn. Trong quá trình triển khai phải bảo đảm theo các nguyên tắc sau: Bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy Đảng các cấp; bám sát chủ trương, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh trong việc sắp xếp, tổ chức lại thôn; đảm bảo sự ổn định, sự đồng thuận cao trong nhân dân; tiến hành sắp xếp lại theo hướng hợp nhất, sáp nhập đối với những thôn không đạt tiêu chuẩn theo quy định, với thôn liền kề hoặc các thôn liền kề xung quanh trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã, địa hình không chia cắt phức tạp, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Qua hội nghị này đề nghị các địa phương cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra ý kiến về cách triển khai sao cho phù hợp hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá, sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời giao UBND huyện xây dựng các phương án và lộ trình sắp xếp, tổ chức lại thôn để UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương.
Qua rà soát, thống kê theo tiêu chuẩn hiện hành, toàn tỉnh chỉ có 410 thôn đảm bảo quy mô số hộ gia đình; còn lại đa số là thôn không đảm bảo quy mô số hộ gia đình với 1.309 thôn chiếm 76% (trong đó có 549 thôn chưa đạt 50% quy mô số hộ gia đình). Trên cơ sở tổng hợp phương án của tỉnh, sau khi sắp xếp, tổ chức lại còn 1.241 thôn; giảm được 478 thôn, trong đó có 934 thôn đã sắp xếp, tổ chức lại bằng các hình thức hợp nhất, sáp nhập. Còn lại 375 thôn không đạt quy mô số hộ gia đình, nhưng các huyện, thị xã, thành phố đề nghị giữ nguyên không sắp xếp, tổ chức lại vì có đặc thù riêng.
Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành hợp nhất, sáp nhập các thôn kết thúc trong tháng 11/2018. Đối với những thôn còn lại (375 thôn) không đủ tiêu chuẩn theo quy định nhưng có yếu tố đặc thù sẽ tiến hành thẩm định để xem xét cho hợp nhất, sáp nhập trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, ý kiến của các địa phương đều biểu thị tinh thần quyết tâm, thống nhất cao trong việc triển khai sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố, quyết tâm hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã có những đề xuất như: quy chế về số lượng cán bộ thôn, chức danh cán bộ và chế độ cho cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang đề nghị các địa phương và các sở, ngành liên quan quán triệt Nghị quyết 18 của Trung ương và Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy đến từng cán bộ, đảng viên. Trong quá trình triển khai phải tôn trọng ý kiến người dân, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang cũng cho biết thêm, tỉnh đã thống nhất xây dựng đề án hỗ trợ cho 4 đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã cấp thôn dôi dư sau khi sáp nhập.